Làm thế nào để người lớn làm quen với việc uống sữa?

1. Tại sao người lớn vẫn nên uống sữa?


Nhu cầu canxi của người trưởng thành vẫn luôn ở mức cao từ giai đoạn tích xương (20 đến 30 – 35 tuổi) chuyển tiếp giữa tạo xương và hủy xương (30-40 tuổi) và hủy xương (từ sau 40 tuổi).

Nhu cầu canxi hàng ngày:

  • 20 – 29 tuổi : 800mg
  • 30 – 49tuổi : 800mg
  • 50 – 69 tuổi : 800mg
  • ≥ 70 tuổi : 1000mg

Chế độ ăn thông thường thường chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 20-40% nhu cầu vì các loại rau xanh có hàm lượng canxi cao nhưng giá trị sinh học thấp. Do đó, 60-80% nhu cầu canxi còn lại, cần có nguồn thực phẩm giàu canxi có sinh học cao, dễ hấp thu và dễ tiêu hoá. Sữa và chế phẩm từ sữa chính là lựa chọn hoàn hảo.

Việc uống sữa hàng ngày có thể không chỉ giúp xây dựng một hệ xương, răng chắc khỏe nhờ vào trữ lượng canxi dồi dào mà còn giúp phát triển cơ thể, tăng cường sức đề kháng, đảm bảo các chức năng thần kinh và đông máu.

2. Tiêu thụ sữa ở người Việt Nam: thấp hơn tiêu thụ rượu bia:

Người Việt Nam chưa có thói quen uống sữa bởi có nhiều ngộ nhận cho rằng sữa chỉ dành cho trẻ nhỏ và người bệnh, hoặc nghi ngờ việc uống sữa sẽ gây tăng cân, tiêu chảy,… Chính vì vậy, người Việt Nam hiện nay tiêu thụ sữa ở mức độ thấp (chỉ khoảng 26 lít sữa/người/năm) so với các nước khu vực Châu Á (40-60 lít/người/năm) và các nước phương Tây (80-100 lít/ người/năm).

Trái lại, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt “đẳng cấp” so với các quốc gia trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi năm 1 người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8.3 lít cồn nguyên chất (tương đương 470 chai bia), cao hơn người Nhật, Trung quốc, Ấn độ và gấp 4 lần người Singapore.

Hiện nay, nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của việc bổ sung canxi và giá trị dinh dưỡng, lợi ích của sữa ngày càng gia tăng. Dù vậy, không phải ai cũng dễ dàng hấp thu được sữa. Nhiều người ngay từ lần đầu tiên uống sữa đã gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy). Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể không đủ lượng men lactase để tiêu hóa lượng đường lactose trong sữa.

3. Làm thế nào để “làm quen” với sữa?

Để sữa có thể trở thành người bạn đồng hành tốt với sức khỏe, cần tạo điều kiện cho cơ thể “làm quen” với sữa bằng nhiều cách như sau:

  • Uống sữa từng ít một: Khởi đầu có thể uống sữa từng ít một rồi tăng lên dần dần để thăm dò đáp ứng tiết men lactase của cơ thể.
  • Uống sữa kèm món ăn: Việc kết hợp uống sữa cùng với một loại thức ăn nào đó có thể giúp tiêu hóa lượng sữa một cách dễ dàng hơn.
  • Ăn các chế phẩm từ sữa: ngoài nồng độ lactose thấp hơn sữa nguyên chất, giúp tiêu hóa tốt hơn, các chế phẩm từ sữa còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe
  • Sữa chua: ngoài hàm lượng dinh dưỡng như sữa, còn có tác dụng kích thích cảm giác ngon miệng. Probiotics có trong sữa chua cung cấp cho đường ruột các vi khuẩn có lợi, giúp tăng cường chức năng miễn dịch và tiêu hóa.
  • Phô mai: Phô mai rất giàu canxi, chất đạm, phốt pho, kẽm, vitamin A, vitamin B12. Ngoài ra phô mai còn không chứa đường lactose do đã được lên men bởi vi khuẩn hoặc xử lý với men, nên “thân thiện” hơn với đường tiêu hóa.
  • Bánh Flan: bánh flan có 1⁄2 thành phần là sữa, 1⁄4 là trứng nên là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng, chứa đạm có giá trị sinh học cao.
  • Sữa trái cây: sự kết hợp giữa sữa và nước trái cây giúp tăng cường năng lượng, dưỡng chất, vitamin và khoáng chất, giúp giải khát, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Thưởng thức các món ăn nấu với sữa như chè nấu với sữa, tôm hấp sữa, nghêu hấp sữa, gà nấu sữa,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *